Những tính năng an toàn cần quan tâm khi mua xe hơi
Thông thường, với đa số khách hàng lần đầu mua ô tô đều có quan niệm xe càng nhiều tính năng, nhiều trang bị đi kèm thì càng tốt. Điều đó không hoàn toàn đúng, bởi lẽ có một vài những trang bị không thật sự cần thiết trong quá trình sử dụng hằng ngày của bạn.
Bài viết sau đây sẽ “điểm tên” các tính năng bảo vệ, hỗ trợ cần được chú ý hơn cả đối với một chiếc ô tô dù là hạng phổ thông hay các mẫu ô tô hạng sang đắt tiền. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc cân nhắc khi tìm hiểu và tiết kiệm được phần nào khoản tiền dành cho xế hộp của mình.
Túi khí
Túi khí chắc chắn là trang bị đảm bảo an toàn quan trọng hàng đầu trên ô tô. Thông thường với những mẫu xe cơ bản đều trang bị ít nhất 2 túi khí phía trước. Khi gặp sự cố, túi khí sẽ được bung ra trong thời gian vài phần nghìn giây giúp bạn giảm tối thiểu va đập vào bảng điều khiển, vô-lăng đối với người ngồi trước hay các lực tác động từ bên hông ô tô với hành khách ngồi sau.
Với các dòng ô tô từ 600 triệu đồng trở lên tại Việt Nam, hệ thống túi khí đang dần trở nên “dày đặc” hơn chứ không còn hạn chế như trước. Như vậy, ngoài 2 túi khí phía trước thì các mẫu xe dần được bổ sung thêm 2 túi khí bên hông ghế trước, 2 túi khí rèm trần xe và cả 1 túi khí đầu gối ghế lái.
Thêm một chi tiết mà chắc ít ai để ý, các cơ sở độ xe có “đa năng” đến đâu thì túi khí vẫn là tính năng an toàn duy nhất mà chủ xe không thể bổ sung thêm theo ý thích của mình như các trang bị sẽ kể bên dưới đây. Vậy nên, túi khí vẫn sẽ luôn là tiêu chí an toàn quan trọng nhất bạn nên cân nhắc khi quyết định chọn mua ô tô, nôm na thì càng nhiều càng tốt!
Camera / cảm biến đậu xe và chức năng cảnh báo điểm mù
Trước hết, cùng với camera quan sát và các cảm biến sẽ giúp bạn kiểm soát được khoảng cách của xe tới các vật cản cả trước, sau và quanh xe trong quá trình ra vào bãi đỗ xe hay di chuyển ở điều kiện đường xá giao thông chật hẹp như tại Việt Nam.
Hai yếu tố này thật sự hữu ích với những người lái xe chưa tự tin và thành thạo, hay đơn giản là giúp việc điều khiển ô tô trở nên nhẹ nhàng cũng như bớt căng thẳng hơn.
Trong thực tế, camera có lẽ là trang bị phụ kiện được khách lắp thêm nhiều nhất, từ góc quan sát phía sau cơ bản, hay như “độ” camera ở bên hông xe hỗ trợ cho việc cặp lề cho đến việc tạo nên một hệ thống quan sát 360 độ quanh xe tựa như các mẫu xe tiền tỷ.
Rõ ràng, dù cho dày dạn kinh nghiệm đến đâu thì cùng một lúc người lái cũng không thể tránh hết được các rủi ro va quẹt trên đường phố.
Trong khi đó, ở một vài dòng ô tô khác có trang bị tính năng cảnh báo va chạm hay cảnh báo điểm mù trong khi di chuyển. Thật lòng mà nói, trang bị này thường gây khá nhiều phiền toái với các âm thanh cảnh báo liên tục xuất hiện và có phần không hiệu quả trong điều kiện giao thông đông đúc và hỗn loạn như các đô thị ở Việt Nam.
Dù vậy tính năng này lại trở nên hữu ích và quan trọng trong trường hợp bạn đi đường trường ở cao tốc hay xa lộ với tốc độ cao, giúp bạn chủ động hơn trong việc quan sát các góc hẹp qua gương chiếu hậu, tăng khả năng nhận biết và phòng tránh để phát hiện những xe đang tiến sát bạn với tốc độ cao.
Hệ thống cân bằng điện tử Electronic Stability Program
Một trang thiết bị đang trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho một mẫu ô tô cao cấp và dần được trang bị trên hầu hết các mẫu ô tô chính là hệ thống cân bằng điện tử. Tùy theo nhà xuất mà hệ thống này sẽ có tên gọi khác nhau, phổ biến hơn cả là Electronic Stability Program – ESP, Vehicle Stability Assist – VSA hay Vehicle Stability Control – VSC…
Ngoài nhiệm vụ chính là giúp ổn định xe khi phanh, khi xe vào cua thì ESP còn giữ cho xe ổn định ngay cả lúc xe mới khởi hành và tăng tốc. Tuy nhiên, để hiệu quả khi hoạt động, hệ thống ESP cũng tác động đến cả động cơ và hộp số.
Nguyên lý hoạt động của cân bằng điện tử ngắn gọn như sau: trong quá trình chuyển động, nếu hệ thống ESP phát hiện được tình trạng ô tô bắt đầu bị mất lái (rõ rệt nhất khi vào cua) thì ESP sẽ làm việc bằng cách can thiệp vào hệ thống phanh để giảm ngay vận tốc xe.
Xét về bản chất, ESP là một “hệ thống tổng” bao gồm các hệ thống “cấp dưới” như sau:
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS: Nếu cảm biến bánh ô tô phát hiện thấy hiện tượng trượt trên bánh nào thì áp lực phanh trên bánh đó sẽ được giảm. Sự kiểm soát này thông qua ECU điều khiển và cơ cấu thừa hành gồm một hệ thống van điện tử. Các van trong cơ cấu thừa hành sẽ điều hòa áp suất phanh của bánh bị trượt theo các chế độ: tăng, giữ và giảm áp.
Hệ thống Acceleration Slip Regulator ASR có vai trò chống hiện tượng trượt quay của các bánh xe chủ động khi xe khởi hành và tăng tốc đột ngột.
Thêm một nhiệm vụ chính yếu của ASR là giúp ô tô cải thiện tính ổn định bằng cách điều chỉnh lực kéo của các bánh xe chủ động, đồng thời hệ thống ESP cũng gửi tín hiệu đến hộp điều khiển động cơ để đóng bớt bướm ga lại hoặc làm chậm thời điểm đánh lửa nhằm giảm mô-men xoắn của động cơ.
Hệ thống Engine Brake Regulation – EBR có tác dụng chống hiện tượng trượt của các bánh xe chủ động hoạt động ở chế độ không tải cưỡng bức và đảm bảo tính ổn định của ô tô. Ở chế độ không tải cưỡng bức như trường hợp xe xuống dốc, van bướm ga đóng, khi đó xe xuống dốc ở chế độ phanh bằng động cơ.
Hệ thống phanh tự động khẩn cấp Autonomous Emergency Braking – ABE
Hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB sử dụng cảm biến radar, laser hay camera nhằm quan sát và phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra va chạm với các phương tiện khác, khách bộ hành hoặc các mối nguy hiểm xung quanh xe.
Hệ thống này đưa ra các cảnh báo bằng hình ảnh, âm thanh hoặc rung tay lái hoặc bằng cả ba. Trong trường hợp lái xe ô tô không phản ứng lại các cảnh báo, AEB sẽ tự động phanh. Ngoài ra, một số hệ thống AEB còn có có thể tự động căng dây đai an toàn giúp giảm thiểu tổn thương cho hành khách.
Do điều kiện giao thông đặc thù như ở Việt Nam, tính năng này phát huy được giá trị về mặt an toàn chủ động của mình trên các xa lộ cũng như cao tốc, còn khi đi lại trong đô thị thường người lái sẽ tắt hệ thống ABE nhằm điều khiển xe chủ động hơn, tránh bị “cắt ngang” bởi các cú phanh gấp không thật sự cần thiết.
Hệ thống kiểm soát hành trình Adaptive Cruise Control
Ở bối cảnh mà các đường cao tốc tại Việt Nam đang ngày càng trở nên dày đặt và sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa thì hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng Adaptive Cruise Control – ACC là bước tiến quan trọng giúp nâng cao tính an toàn chủ động của xe, bên cạnh tính năng ga tự động vốn đã trở nên khá quen thuộc trong những năm vừa qua, ngay cả một vài dòng xe hạng B 600 triệu nay cũng đã có điều khiển hành trình.
Hệ thống ACC sử dụng các radar liên tục kiểm tra đoạn đường phía trước để từ đó chủ động duy trì khoảng cách an toàn với phương tiện chạy trước hoặc khi có bất kỳ vật cản nào xuất hiện sẽ giảm tốc độ đồng thời cho phép người lái cài đặt tốc độ xe.
Trong khi đó, hệ thống điều khiển hành trình đảm bảo vai trò mang đến sự thoải mái cho người lái trong những điều kiện đường cao tốc hay xa lộ, cài đặt khoảng tốc độ cố định giúp xe duy trì tốc độ mà không cần tác động đến chân ga. Không chỉ vậy, tính năng này còn đóng góp vào việc giúp bạn tránh nhận vé phạt quá tốc độ ngoài ý muốn cũng như duy trì vận tốc đều đặn, hạn chế việc tiêu hao nhiên liệu do tăng giảm tốc độ liên tục.
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường tự động Lane Departure Alert
Cũng như hệ thống ACC kể trên, Lane Departure Alert trước đây tưởng chừng không có đất dụng võ thì nay đang dần trở nên “hợp thời” hơn với hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Hệ thống có chức năng cảnh báo chệch làn đường tự động, trong trường hợp ô tô đang di chuyển ở một tốc độ tối thiểu nhất định nhưng người lái lơ là hoặc có cảm giác buồn ngủ làm chiếc ô tô lệch khỏi làn đường đang chạy thì tính năng này sẽ giúp cảnh báo, nhắc nhở quay về đúng vị trí, thậm chí những mẫu xe hạng sang còn có thể tự động đánh lái vào chính giữa làn đường của xe đang đi.
Như đã nói, tính năng cũng như mức độ can thiệp của hệ thống Lane Departure Alert có thể thay đổi tùy theo giá thành xe. Đối với loại ô tô có mức giá trung bình, hệ thống sẽ cảnh báo tài xế khi xe đi chệch khỏi làn đường bằng hình ảnh, âm thanh hoặc rung vô lăng, ghế ngồi. Trong khi đó, các loại xe cao cấp có thêm chức năng tự động xử lý điều hướng bên cạnh kích hoạt các biện pháp an toàn phòng tránh va chạm khi tài xế không phản ứng kịp thời.
Khả năng lái xe của chính bạn
Có thể thấy, việc xe trang bị nhiều tính năng an toàn nhằm bảo vệ người lái cũng như trong khoang lái, nhưng điều quan trọng nhất khi điều khiển một chiếc xe hơi vẫn là khả năng cầm lái của bạn.
Lấy bằng lái chỉ là bước khởi đầu cho hành trình rèn luyện của bạn. Hãy luôn bình tĩnh và tỉnh táo khi điều khiển xe nhất là trong dip Tết, bởi tất cả các tính năng an toàn của xe hơi chỉ để dùng trong trường hợp khẩn cấp và hỗ trợ bạn lúc cần thiết, chứ không thể thay bạn điều khiển cả chiếc xe.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
MÁI HIÊN THÔNG MINH – BẢO HÀNH TẬN TÌNH
Hotline: 0854.799.798
Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/garaminixepgon
Youtube: https://www.youtube.com/@maicheorco
Email: orco.sale@gmail.com
Địa chỉ : 453/20 Tô Ngọc Vân, Khu phố 1, Phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP HCM